Cạo vôi răng là gì? Có nên cạo vôi răng không? Vôi răng thường được hình thành do việc vệ sinh răng miệng chưa đúng cách, chưa được làm sạch và gây nhiều tác hại nguy hiểm đối với sức khỏe răng miệng về lâu dài. Vậy có nên cạo vôi răng không? Cạo vôi răng có đau không và quy trình diễn ra như thế nào? Theo dõi ngay bài viết dưới đây của Nhật Ký Nha Sĩ để bạn có cái nhìn rõ hơn hơn về vấn đề này nhé!
Vôi răng là gì?
Vôi răng hay cao răng là những mảng bám, mảnh vụ thức ăn bị sót lại tích tụ và bị vôi hóa bởi vi khuẩn, các hợp chất muối vô cơ có trong nước bọt và cặn mềm. Lâu dần các mảng bám, vụn thức ăn lắng đọng nhiều sẽ thành lớp dày ở thân răng, nướu răng, có màu trắng đục hoặc màu vàng, màu nâu mất thẩm mỹ và gây nhiều ảnh hưởng đến răng miệng.
Vôi răng được chia thành 2 loại: vôi răng thường và vôi răng huyết thanh.
- Vôi răng/Cao răng thường là những mảng bám có màu vàng nhạt hoặc trắng đục. Với loại cao răng này thì thường sẽ bám trên bề mặt răng và nướu. Nếu không cạo vôi răng hay lấy cao răng sẽ dẫn đến tình trạng viêm nướu/lợi.
- Vôi răng/Cao răng huyết thanh là loại cao răng thường ở mức độ nặng hơn. Khi này, cao răng thường đã gây tình trạng viêm lợi và tại vùng viêm đó sẽ tiết ra các dịch viêm gây chảy máu rồi máu sẽ ngấm vào cao răng thường tạo nên màu nâu đỏ gọi là vôi răng huyết thanh.
Vậy vôi răng có chia theo cấp độ không? Câu trả lời là có, vôi răng thường chia theo 3 cấp độ:
- Cấp độ 1: Vôi răng có độ dày dưới 1mm thường có màu trắng đục hoặc vàng nhạt. Cấp độ 1 là nhẹ nhất, lúc này cao răng mới hình thành và chưa gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
- Cấp độ 2: Ở cấp độ này, vôi răng sẽ có độ dày khoảng từ 1-2 mm và có màu vàng sậm hơn cấp độ 1. Vôi răng ở cấp độ 2 sẽ bắt đầu gây tình trạng viêm nướu nhẹ. Dấu hiệu bạn có thể dễ dàng nhận biết là bị chảy máu nhẹ ở chân răng và hơi thở có mùi.
- Cấp độ 3: Đây là mức độ nặng nhất của vôi răng với độ dày lên tới trên 2mm. Khi này, vôi răng sẽ bắt đầu chuyển sang màu vàng nâu sậm hoặc nâu đen. Vôi răng sẽ gây viêm nướu nặng hơn với các triệu chứng: nướu sưng đỏ, tình trạng chảy máu chân răng xuất hiện nhiều và hôi miệng cũng như một số bệnh lý răng miệng khác.
Cạo vôi răng là gì?
Cạo vôi răng hay lấy cao răng là một thủ thuật được sử dụng trong nha khoa với các dụng cụ chuyên dụng để giúp bạn loại bỏ phần vôi răng/cao răng bám trên bề mặt các răng. Tùy vào mức độ cần cạo vôi răng và tình trạng của lợi, nha sĩ sẽ tiến hành cạo vôi răng và chỉ định kết hợp dùng thuốc, cải thiện sức khỏe răng miệng nếu cần.
Lấy cao răng sẽ giúp nâng cao sức khỏe răng miệng và ngăn chặn viêm nướu, các bệnh lý răng miệng. Nhưng bạn không nên lạm dụng phương pháp lấy cao răng và bạn nên thăm khám, cạo vôi răng định kỳ 6 tháng/ lần.
Có nên cạo vôi răng?
Như chia sẻ ở trên có thể bạn đã thấy sự quan trọng của việc thăm khám, cạo vôi răng định kỳ. Vậy liệu cạo vôi răng nhiều có tốt không? Và cạo vôi răng có đau không?
Cạo vôi răng nhiều có tốt không?
Cạo vôi răng là giải pháp giúp làm sạch các mảng bám, loại bỏ chúng ra khỏi bề mặt của răng, giúp bạn sở hữu sức khỏe răng miệng tốt hơn. Tuy vậy, nếu bạn lạm dụng việc cạo vôi răng và thực hiện nhiều lần thì có thể gây tổn thương răng, nướu. Vậy nên, bạn chỉ nên cạo vôi răng theo định kỳ 3-6 tháng/lần.
Bác sĩ sẽ hẹn lịch, chỉ định thời gian bạn đến cạo vôi răng tùy theo mức độ hình thành vôi răng ít hay nhiều và sức khỏe răng miệng của bạn:
- Nếu bạn có một sức khỏe răng miệng tốt, men răng láng bóng, vôi răng hình thành ít thì nên cạo vôi răng khoảng 6 tháng/lần.
- Với trường hợp men răng sần sùi, dễ gây tích tụ các mảng bám, thức ăn thừa và bạn thường xuyên uống trà, cà phê, hút thuốc nên đi cạo vôi răng từ 3-4 tháng/lần.
Cạo vôi răng có đau không?
Để biết được cạo vôi răng có đau hay không, điều này còn phụ thuộc vào một số yếu tố:
Tình trạng sức khỏe răng miệng hiện tại của bạn:
Với các bạn có sức khỏe răng miệng tốt thì gần như cạo vôi răng không đau, không gây ảnh hưởng gì. Nhưng nếu bạn đang gặp một số bệnh lý răng miệng: viêm lợi, viêm nha chu, lợi sưng đỏ….thì bạn có thể cảm thấy hơi ê buốt sau khi cạo vôi răng.
Mức độ vôi răng hình thành trên răng:
Khi nha sĩ tiến hành lấy cao răng ở thân răng – phần vôi răng này bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường thì việc cạo vôi răng diễn ra khá nhẹ nhàng và nhanh chóng khoảng 15 – 30 phút. Nhưng với các vôi răng lắng đọng, bám chặt dưới nướu răng gây tình trạng viêm, sưng thì khi cạo vôi răng có thể bạn sẽ thấy hơi ê buốt. Tuy nhiên, cảm giác này sẽ nhanh chóng biến mất và gần như không gây ảnh hưởng đến quá trình ăn nhai, sinh hoạt của bạn.
Tay nghề, kỹ thuật cạo vôi răng của nha sĩ:
Khi bạn đi cạo vôi răng và được thực hiện bởi các nha sĩ giàu kinh nghiệm có trình độ chuyên môn cao thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, không đau, không gây tác động đến má trong hay lưỡi. Lấy cao răng tuy là kỹ thuật không quá phức tạp, khá đơn giản nhưng lại cần sự cẩn thận, tỉ mỉ và nhẹ nhàng trong từng thao tác để tránh gây tổn thương nướu, men răng.
Quy trình lấy cao răng chuẩn nha khoa
Cạo vôi răng là phương pháp được sử dụng phổ biến ở các bệnh viện răng hàm mặt, các nha khoa và đều có quy trình chuẩn cần tuân theo:
Thăm khám, kiểm tra tổng quát
Bước đầu tiên cũng là bước không thể thiếu trong mỗi kỹ thuật chính là thăm khám, kiểm tra tổng quát. Bước này sẽ giúp bác sĩ xác định được tình trạng sức khỏe răng miệng của bạn hiện tại, có gặp vấn đề gì hay không, mức độ vôi răng như thế nào….
Vệ sinh khoang miệng
Sau khi kiểm tra tổng quát, nha sĩ sẽ tiến hành vệ sinh sạch khoang miệng bằng dung dịch sát khuẩn trước khi cạo vôi răng. Đây là bước cơ bản nhưng cũng rất quan trọng để bảo đảm khoang miệng vô khuẩn, ngăn chặn viêm nhiễm và tránh gặp phải các biến chứng không mong muốn.
Tiến hành cạo vôi răng
Nha sĩ sẽ tiến hành làm sạch các mảng bám dính chặt trên bề mặt răng, thân răng và cổ răng giúp loại bỏ phần vôi răng nằm sâu ở bên dưới nướu, nơi mà mắt thường gần như không thấy được. Nha sĩ sẽ tiến hành cạo vôi răng ở từng răng, loại bỏ triệt để vôi răng ở các vị trí của răng.
Đánh bóng răng
Đánh bóng răng là bước cuối cùng trong quy trình cạo vôi răng, khi nha sĩ sẽ thực hiện loại bỏ sạch sẽ những vụn vôi răng li ti còn sót lại và đánh bóng bề mặt răng với chổi cùng thuốc đánh bóng chuyên dụng. Kết thúc quá trình cạo vôi răng thì hàm răng của bạn sẽ trở nên trắng sáng và nhẵn mịn hơn. Điều này cũng giúp ngăn chặn sự tích tụ của cặn bã thức ăn và vi khuẩn trên răng.
Hẹn lịch thăm khám tiếp theo
Sau khi cạo vôi răng, nha sĩ sẽ hẹn bạn lịch thăm khám tiếp theo tùy vào tình trạng răng miệng của bạn.
Lưu ý sau khi cạo vôi răng
Sau khi cạo vôi răng, phần nướu và men răng của bạn sẽ rất nhạy cảm nên nếu không chăm sóc đúng cách, răng miệng rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập và mảng bám tích tụ. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc răng miệng sau khi cạo vôi răng:
- Bạn hạn chế ăn các thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh vì có thể gây tổn hại đến men răng, khiến răng ê buốt khi ăn uống.
- Bạn không nên hút thuốc, sử dụng bia rượu hay các loại thực phẩm có màu, nhiều axit như trà, cà phê, nước ngọt, nước tương, socola… sau khi lấy cao răng.
- Bạn nên có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhiều rau củ, trái cây tươi giàu vitamin và khoáng chất. Cũng như hạn chế ăn các loại thức ăn quá mềm, dẻo, đồ ăn có nhiều đường,.. vì chúng dễ bám vào răng hình thành vôi răng.
- Bạn nên đánh răng 2 lần/ngày, vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ kết hợp sử dụng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ răng, nước súc miệng… để loại bỏ sạch các mảng bám thức ăn và ngăn vôi răng hình thành.
- Bạn cần đánh răng đúng cách: nên dùng bàn chải có lông mềm, lực vừa phải, đặt bàn chải theo chiều dọc hoặc xoay tròn. Tránh chải răng theo chiều ngang vì có thể làm mòn men răng.
- Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý, chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn nhằm loại bỏ các mảng bám còn sót lại.
- Bạn nên khám và cạo vôi răng theo định kỳ hoặc theo sự chỉ định của nha sĩ.
Trên đây là chia sẻ của Nhật Ký Nha Sĩ về vôi răng, cạo vôi răng. Qua đây bạn đã hiểu thêm về tầm quan trọng của việc cạo vôi răng, sức khỏe răng miệng. Vì vậy, để hạn chế tình trạng ê buốt, bạn nên tìm các phòng khám nha khoa uy tín với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại để thực hiện cạo vôi răng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì bạn có thể bình luận trực tiếp để Nhật Ký Nha Sĩ giải đáp, hỗ trợ bạn ngay nhé!